Cô gái xương thuỷ tinh: Nữ anh hùng thầm lặng
Thứ hai 16/09/2013 15:10
Sinh ra đã là người khuyết tật, nhưng đến năm 20 tuổi Thu Thương mới dám chấp nhận sự thật. Trong suy nghĩ, Thương cho rằng mình là người bình thường, chỉ khác biệt mỗi đôi chân
Mỗi lần thay đồ là mỗi lần Thương khóc thét cả tiếng đồng hồ, chỉ ngừng khóc khi đã lịm đi vì đau đớn.
Cô gái xương thủy tinh ấy đã vượt qua số phận bất hạnh thế nào để trở thành giám đốc công ty riêng của mình?
Chưa lần nào tiếp xúc, gặp gỡ nhưng qua điện thoại tôi được nghe một giọng nói trong trẻo, vui tươi đến yêu đời nồng nàn. Chỉ đến khi gặp Thu Thương, cô gái mang hình hài “đứa trẻ 3 tuổi”, nằm một chỗ mỉm cười, không thể đi lại vì đôi chân teo nhỏ, yếu ớt. Đến mức nếu ai đó có thách vui tôi chạm vào, tôi cũng sợ cái chạm ấy sẽ khiến Thương bị gãy xương, lại phải trả giá bằng tháng ngày đau đớn tột cùng.
Từng bị xem là “quái thai”, điềm gở
Thương không nhớ đã bao nhiêu lần mình bị gãy xương chân, tay, mỗi lần như vậy, nỗi đau thể xác hành hạ cô đến mấy tháng trời. Khi ấy, cô phải nằm bẹp giường, bẹp chiếu, mọi sinh hoạt cá nhân cũng diễn ra tại giường. Chỉ nghĩ đến việc thay quần áo thôi cũng khiến Thương ngán ngẩm. Mỗi lần thay đồ cho con, mẹ Thương lại phải cắt nát chúng ra để tránh động vào người con. Và cũng trong những tháng ngày ấy, cô không được tắm, chỉ có thể lau người cho đến khi xương lành lặn hẳn.
Thương rùng mình kể lại: “Mỗi lần bị gãy xương, chuyển tôi từ chỗ nằm này sang chỗ khác hay thay quần áo, bố mẹ làm nhanh lắm. Mất vài giây. Càng lâu, tôi càng đau đớn. Nhìn tôi nhăn nhó, bố mẹ bật khóc vì thương con. Mỗi lần gãy xương là một tình huống khác nhau. Cuộc sống lại nhiều va chạm, không thể tránh khỏi nên giờ được lành lặn lúc nào là hạnh phúc lúc ấy”.
Thu Thương với mẹ (trái) và em gái. Trong nhà chỉ có cô mắc bệnh này.
Thực chất, nỗi đau của Thương do bệnh xương thủy tinh mang lại nhưng không ai biết. Chưa kịp cất tiếng khóc chào đời như bao đứa trẻ khác, cơ thể cô đã tái xám. Theo lời kể của mẹ, Thương nằm ngược tư thế, bà đỡ thấy đôi chân là lôi mạnh đến gãy. Sau cái vỗ mông của bà, cô cất tiếng khóc thét vì đau đớn. Tiếng khóc khác hẳn với tiếng khóc của những đứa trẻ khác.
Người mẹ đưa con trở về từ trạm xá. Mấy tháng đầu, mỗi lần thay tã là mỗi lần con khóc thét cả tiếng đồng hồ, chỉ ngừng khóc khi đã lịm đi vì đau đớn. Được vài tuổi, cô bé tiếp tục gãy xương vì bạn bè ngã vào người, cũng có khi đang nằm trên chiếc chõng tre rơi xuống đất... Chỉ đến khi nhiều lần thấy con chịu đau đớn, bố mẹ Thương mới biết xương con gái mình khác người, có thể gãy bất cứ lúc nào.
Người mẹ bàn với chồng vay mượn tiền họ hàng đưa con đi khám ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội, hy vọng bác sĩ có thể tìm ra cách chữa trị. Sau những xét nghiệm dài vô tận, bố mẹ Thương bế con về trong tâm trạng buồn chán, trong đầu vẫn vang vọng câu kết luận: “Chỉ làm đề tài nghiên cứu khoa học, bệnh không chữa được”.
Không lành lặn về cơ thể, nhưng Thương là một cô gái vô cùng đáng yêu trong mắt mọi người. Không thể cho con đến trường như bạn bè, mẹ cô vừa làm, vừa dạy con học chữ, làm tính... Thương học và tiếp thu rất nhanh. Thi thoảng, thấy tivi có ca nhạc, cô lẩm nhẩm theo, sau đó hát lại cho cả nhà nghe bằng giọng trong veo khiến ai cũng rớt nước mắt. Biết mình không giúp gì được bố mẹ, Thương luôn quan tâm đến từng người, quán xuyến nhà cửa, bán hàng một cách chu đáo (nhà Thương bán rượu).
Thương nhận thức được những điều xảy ra quanh mình từ rất sớm. 5 tuổi đã biết thế nào là ánh mắt thương hại, soi mói của nhiều người mỗi khi đến nhà hay gặp ngoài đường. Khi ấy, cô bé xương thủy tinh rất buồn, không muốn ra khỏi nhà. Nhớ lại khoảng thời gian trước đó, cô đã phải sống co mình lại, hàng xóm láng giềng coi cô là “quái thai”, “điềm gở”, gia đình Thương trở thành trung tâm của sự dị nghị, bàn tán. Không ai nghĩ nhẹ đi, Thương chỉ là một cô gái khuyết tật. Ngay đến bản thân mình, cô cũng phủ nhận mình là người không lành lặn. Thế nên, mỗi lần xem phóng sự về người khuyết tật, cô lại ôm mặt khóc vì trong suy nghĩ của Thương, họ là thứ gì đó rất kinh khủng và đáng sợ.
Nhưng càng lớn, chứng kiến mẹ bán hàng cùng nụ cười tươi, Thương học theo. Khách đến nhà chơi, cô vui vẻ hỏi han, quan tâm, nên mọi người quý mến, rào cản ngăn cách dần được gỡ bỏ. Thương được tự do chơi với bạn cùng xóm mà không bị bố mẹ các bạn cấm đoán.
20 tuổi mới chấp nhận mình là người khuyết tật
Có mặt trên đời đến 20 năm, cô mới bắt đầu suy nghĩ về con đường sống khi thấy xung quanh có nhiều người kém may mắn vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội. Thương nghĩ đến việc học nghề để kiếm tiền và chấp nhận ý nghĩ mình là người khuyết tật. Cô cười hiền lành: “Khi nghe tôi nói nguyện vọng, bố mẹ gạt phắt đi. Họ không nghĩ và không tin tôi có thể làm nghề gì đó để nuôi sống bản thân. Nhưng khi đó quyết tâm của tôi vô cùng lớn, không gì có thể lay chuyển được”.
Đến học nghề tại cơ sở Vì ngày mai, trong căn phòng rộng 30m2, Thương miệt mài học nghề làm đèn cùng hơn chục bạn khuyết tật khác. Cô được đặt nằm một góc để tránh sự va chạm có thể khiến xương bị tổn thương. Lúc mới cầm dây cước để tập đan, mỗi cử động mạnh theo hướng dẫn của giáo viên, tay Thương đau đớn khôn cùng, gương mặt nhăn lại. Tay yếu, cô không thể tiếp thu bài nhanh nên dùng kim châm vào tờ giấy trắng những ký tự mình cần nhớ (cô không thể ngồi bình thường, cũng không nằm sấp để viết). Sau 3 tháng trời học tập trong đau đớn, cuối cùng cô cũng làm ra được chiếc đèn đầu tiên.
Bên mẹ và các bạn
Nhưng nhìn sản phẩm méo mó, xấu xí, thô kệch, Thương băn khoăn. Và cô đã “ép” mình phải tìm cách làm cho chúng trở lên đáng yêu. Từ mô hình đèn trang trí đặt bàn đơn sơ, cô gái xương thủy tinh sáng tạo thêm những hoa văn bắt mắt và nhờ bố gắn thêm đui đèn, lắp bóng điện. (Thương là người đầu tiên thực hiện ý tưởng đèn có hoa văn và phát triển đèn vừa dùng trang trí, vừa có thể chiếu sáng). Chỉ trong 3 tháng, Thương đã thuần thục nghề, có thể nói là “bậc thầy” về làm đèn.
Tiếp đến, cô lại đòi bố mẹ cho đi học nghề đan cườm, đan len... Nghe con nói, bố mẹ đều đồng ý và không quản nắng mưa, giá rét đưa con đến lớp. Với kiến thức học được, cô từng bước xây dựng mô hình dạy và làm dành cho người khuyết tật. Các tấm thiếp thủ công được làm từ đôi tay khéo léo của những số phận kém may mắn đã tỏa đi khắp nơi trên đất nước và thế giới.
Trước đây viết chữ khó khăn, thấy các em có máy tính, chỉ cần dùng tay gõ bàn phím là ra chữ, Thương nằm bên cạnh quan sát, học lỏm. Lâu dần, cô bảo các em hướng dẫn và chẳng mấy chốc đã biết sử dụng thành thạo.
Thương kể lại cơ duyên đưa cô nhanh chóng có được hôm nay. Ngày ấy, sản phẩm khăn len, đèn, túi đan bằng hạt cườm nhận được nhiều lời khen nhưng bán không chạy. Thương nghĩ đến việc bán hàng qua mạng, mượn được chiếc máy tính cũ, cô tham gia kết bạn qua mạng, rồi quen một người con trai cùng tên Thương, bị khiếm thị, đang định cư ở Úc. Biết hoàn cảnh Thương vất vả, anh chuyển cho cô 5 triệu đồng với mong muốn cô phát triển việc bán hàng thuận lợi hơn. Món quà ấy như một sự gỡ nút dây thừng trên con đường nhận thức (có thể tự làm, tự nuôi sống bản thân) cũng như công việc của cô. Anh giúp Thương và Thương sẽ giúp hàng chục, hàng trăm cuộc đời như cô.
Hiện thực hóa ước mơ
Để thực hiện ước mơ dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người kém may mắn, Thương đã nhận làm mọi việc. Thương có giọng hát hay, một người quen biết chuyên làm những việc liên quan đến biểu diễn của người khuyết tật, đã xin phép bố mẹ cô cho đi biểu diễn kiếm tiền. Gia đình tin tưởng cho Thương cùng vài bạn khuyết tật theo người kia xuống Hải Phòng hát. Sân khấu được dựng tại một ngã tư đường, thay vì hát bằng giọng thật của mình, Thương phải hát nhép (người hát trong đĩa là một chị khuyết tật khá giống Thu Thương, đã mất). Cứ thế, cô hát từ sáng đến trưa, giữa tiết trời oi bức để nhận tiền lẻ người đi đường bố thí. Mệt mỏi và không chấp nhận việc dối trá để kiếm tiền, Thương quyết không diễn nữa, nhưng phải đến 5 ngày sau, Thương mới được trở về. Vừa nhìn thấy cha mẹ, cô ôm mặt khóc. Cô từ chối nhận tiền khán giả ủng hộ mà chỉ lấy tiền công thỏa thuận trước đó (500.000 đồng/5 ngày). Đó là những ngày Thương cảm thấy xấu hổ, đầy sợ hãi nhất cuộc đời mình.
Những sản phẩm thủ công xinh xắn của cô gái xương thủy tinh.
Những ngày nghỉ Tết năm 2010, Thương lên kế hoạch đầu năm kiếm tiền, cuối năm làm từ thiện. Cô viết ra tờ giấy khẩu hiệu ấy và thực hiện bằng cách liên lạc với các nhà hảo tâm, nói về kế hoạch mở lớp dạy nghề cho 6 học viên khuyết tật tại nhà. Kết quả là lớp dạy nghề ra đời. Hiện tại, Thương có 15 công nhân, với tiền lời khoảng 50 triệu đồng/tháng qua việc bán các sản phẩm: tranh, túi đựng điện thoại, đèn bàn...
Sau những thành công bước đầu, Thương quyết định mở nhà xưởng trên mảnh đất 300m2 của bố mẹ ở Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội, dành cho 40 người khuyết tật sống và làm việc, thay cho căn phòng nhỏ rộng chừng 10m2. Kinh phí khoảng 200 triệu đồng, do cô dành dụm suốt 10 năm làm việc. “Tôi muốn giúp người khuyết tật có cuộc sống độc lập, không phụ thuộc vào người khác. Nhà xưởng sẽ là sân chơi, nơi giao lưu, làm việc cho những người có ý chí vươn lên”. Hiện tại, ước mơ này đã thực hiện được 50% vì đang xây dựng, còn phải tìm người, đào tạo...
Từ khi biết mình có khả năng làm việc, Thương lao đầu vào làm như thể ngày mai sẽ tận thế. Vừa ăn, cô vừa nhìn màn hình vi tính để xử lý công việc. Nhiều lúc, Thương tiếp khách đến quên cả ăn uống khiến mẹ cô phải hét lên: “Con làm việc để sống hay để chết?”. Cô chỉ cười: “Con phải tranh thủ làm. Mẹ không thấy từ ngày lao đầu vào công việc, sức khỏe con khá lên rất nhiều đó sao!”.
10 năm học nghề, phấn đấu trở thành chỗ dựa tinh thần cho những người khuyết tật, cô hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade. Trên con đường dài Thương đang đi, đôi chân cô không đủ vững để bước, nhưng ý chí, ước mơ của Thương đã chạm đích từ lâu rồi. Từng ngày sống có nghĩa, có ước mơ, cô vẫn tự nhủ: “Ồ! Đừng quá tuyệt vọng khi bạn là người khuyết tật, bởi ai cũng đang sống để hiện thực hóa ước mơ, hiện thực hóa bản thân mình”.
Mang trái tim đến mọi người để nhận lấy tình yêu
Có khi nào chị nghĩ đến một gia đình nhỏ của riêng mình không?
Không phải bây giờ, từ khi nhận thức được cuộc sống, tôi đã nghĩ đến điều ấy. Nhưng mỗi khi nghĩ đến, tôi lại thấy buồn. Buồn vì mình không thể có một gia đình riêng để tự tay chăm sóc con cái, chăm sóc cha mẹ khi ốm đau. Cuộc sống của mình phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác mà.
Chị không thích một ai đó sao?
(Cười) Tôi là người khuyết tật, thế nên tôi luôn cố gắng tránh càng nhiều càng tốt. Nhưng tránh mãi sao được, tôi cũng có trái tim “nóng” như mọi người. Khi ở cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, tôi có thương thầm trộm nhớ “người anh hùng” đã giải cứu mình, an ủi tôi mỗi khi bị bạn bè trêu chọc. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy vô cùng an toàn và thích nhìn vào mắt anh ấy. Dần dần tôi phát hiện ra mình thích anh ấy. Biết không đến được với nhau, tôi ngăn cấm anh ấy: “Anh đừng đến nhà em chơi nhiều, có gì gọi điện thoại là được rồi. Em sợ anh đến nhiều, em sẽ yêu anh mất”.
Tôi khát khao được yêu thương nhưng số phận không cho tôi trọn vẹn điều ấy. Cách đây 4 năm, ngày lễ Tình yêu đúng vào mồng một Tết, cả nhà đi vắng, một mình ở nhà, tôi thấy vô cùng cô đơn, buồn. Người ta có đôi, có lứa, còn mình thì cô độc. Thế là tôi tự hỏi “tại sao mình phải ngồi đây gặm nhấm nỗi cô đơn mà không mang trái tim của mình đến với mọi người?”.
Cách làm của tôi vô cùng khác người, thay vì đi gặp gỡ bạn bè, tôi tìm thông tin trên mạng, kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và là cầu nối người khuyết tật. Giờ tôi thấy hạnh phúc vì được yêu thương và mang yêu thương đến với mọi người.
Thu Thương với mẹ và các bạn. Những sản phẩm thủ công xinh xắn của cô gái xương thủy tinh.
Nguyễn Thị Thu Thương sinh năm 1983, nhà ở phố Lương Định Của, Đống Đa, Hà Nội. Năm 2007, trong chương trình tôn vinh người khuyết tật, cô được Tập đoàn Microsoft tặng danh hiệu “Anh hùng thầm lặng”. Ngoài ra, cô còn nhận nhiều bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nằm trong top 24 gương mặt hạt giống tâm hồnViệt Nam.Thu Thương là con gái thứ hai trong gia đình có 4 chị em. Trong mắt mẹ Thương, bà Nguyễn Thị Việt, chưa bao giờ nhìn thấy con gái tự ti, tủi thân. Thương không tránh chỗ đông người bởi cô bé không sợ những ánh mắt soi mói của người đời nhìn mình. Mỗi khi trong làng có đám cưới, cô lại giục mẹ bế đi xem cô dâu, chú rể. Thương con, bà đành bế cô ra đứng lấp ló trong con ngõ nhỏ nào đó để Thương được nhìn ngắm thoải mái.Khác với Thương, mẹ cô luôn tránh xa chốn đông người, thậm chí khi đi dự đám cưới trong họ, bà không dám vào buồng cô dâu/chú rể vì sợ mình mang xui xẻo đến cho họ. Khi đó, mọi người có thể chửi rủa, trách mắng, thậm chí sỉ nhục gia đình bà. Thế nhưng khi chứng kiến sự tự tin, dũng cảm bước vào cuộc sống của con gái, bà vượt qua mặc cảm, giúp con gái theo đuổi ước mơ. |